KỶ NIỆM 66 NĂM THÀNH LẬP XÃ THỦY TRIỀU (23/3/1957-23/3/2023)
Thủy Triều, diện tích tự nhiên 1.163,8 ha, chiều rộng bình quân khoảng 1,1 km, chiều dài khoảng 8,5 km; dân số 3.398 hộ, 11.798 nhân khẩu được phân bổ ở 12 thôn với 02 Làng Văn hóa Kinh Triều và Tuy Lạc. Khởi nguồn là vùng đất vô cùng khó khăn, khắc liệt với vị trí địa lý vô cùng quan trọng nằm trong vùng ảnh hưởng của hệ thống sông Bạch Đằng và có tuyến đường chiến lược nối giữ nội thành Hải Phòng với vùng mỏ Quảng Ninh. Vì vậy, vùng đất này luôn bị các thế lực ngoại xâm xây dựng đồn bốt, càn quét, khủng bố. Có lẽ chính bởi lẽ vậy, người dân nơi đây luôn thông minh, cần cù, sáng tạo, đoàn kết trong lao động sản xuất, dũng cảm trong đấu tranh, dựng nước và giữ nước.
Trước Cách mạng tháng 8-1945, xã Thủy Triều thuộc tổng Kinh Triều, gồm các xã: Kinh Triều, Tuy Lạc, Chung Mỹ, Mi Đông, My Sơn, Khuôn Lư, Trung Sơn. Khi ấy, người dân nơi đây sống trong cảnh áp bức nặng nề của thực dân phong kiến. Ngay từ trước năm 1945, qua phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, các thầy giáo Lê Văn Nhung, Nguyễn Văn Ban đã chịu ảnh hưởng của tiến bộ, tích cực tham gia dạy học. Cuối năm 1944, cơ sở Việt Minh đầu tiên được bí mật ra đời tại làng Chung Mỹ do ông Trương Đức Được về tổ chức đã đem tài liệu, sách báo cách mạng về tuyên truyền trong giáo viên, học sinh ở các làng. Các ông Lê Văn Nhung và Nguyễn Văn Ban đã tích cực tuyên truyền cho thanh niên trong làng để hợp thành tổ chức và thường xuyên dán truyền đơn, rải tờ rơi tại khu vực chợ chùa và nơi đông người. Chấp hành chỉ thị phá kho thóc giải quyết nạn đói của Đảng, Mặt trận Việt Minh. Tổ chức Việt Minh Kinh Triều và Tuy Lạc cùng các xã khác huy động lực lượng phá kho thóc của chủ đồn điền Nguyễn Thừa Đạt ở Lập Lễ đem về phát cho Nhân dân. Cách mạng Tháng 8- 1945 thành công, tại đình làng Kinh Triều và Tuy Lạc Ủy ban hành chính các xã Kinh Triều và Tuy Lạc được thành lập do các ông Nguyễn Văn Ban và ông giáo Thông làm Chủ tịch. Chính quyền các làng Kinh Triều, Tuy Lạc tích cực lãnh đạo Nhân dân ổn định tình hình, tích cực tăng gia sản xuất, cứu đói, vận động Nhân dân hưởng ứng phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ; xây dựng lực lượng tự vệ nhằm trấn áp bọn phản động, bảo vệ chính quyền cách mạng.
Khi thực dân Pháp đánh chiếm thành phố Hải Phòng, Nhân dân các làng Kinh Triều và Tuy Lạc chuẩn bị lực lượng chiến đấu, chặn bước tiến của giặc Pháp, nhiều người con của của Thủy Triều đã lập nhiều chiến công, anh dũng hy sinh như chiến sĩ Đỗ Văn Lạc (người làng Tuy Lạc) đã bắn chết tên quan ba Pháp, chiến sĩ Lê Văn Phố (người làng Tuy Lạc) anh dũng hi sinh khi đánh chặn đường tiến quân của giặc tại cánh đồng Sim (An Lư). Người dân Thủy Triều mãi không quên những hành động man rợ của Thực dân Pháp, địch càn quét vào các làng trong xã. Đi đến đâu chúng cũng bắn giết, đốt phá nhà cửa dã man, sục sạo tìm bắt cán bộ, tự vệ; hơn 1450 nóc nhà, 02 người ốm nằm trong nhà bị chết cháy, thóc của dân không kịp sơ tán bị địch đốt cháy khoẳng 28 tấn thóc, 04 người bị địch bắn chết.
Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 toàn thắng, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Chi bộ và Nhân dân địa phương, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Thủy Nguyên tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống địch cưỡng ép dân di cư vào Nam, bắt dân đi lính. Với kinh nghiệm của chính quyền cách mạng, kế hoạch địch vận được đề ra cụ thể và huy động đông đảo Nhân dân tham gia, yêu cầu Pháp phải thực hiện hiệp định Giơ-ne-vơ. Tại các thôn Kinh Triều và Tuy Lạc lực lượng du kích, đảng viên hoạt động mạnh mẽ làm cho bộ máy tề ngụy tan rã; phối hợp với bộ đội Bạch Đằng tiến đánh bốt Chợ Chùa, diệt tề trừ gian. Chính quyền kháng chiến ra công khai, trực tiếp điều hành mọi công việc của địa phương, Nhân dân tích cực sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống.
Ngày 13- 5- 1955, Nhân dân xã nhà đứng hai bên đường từ Rặng Ổi đến chợ chùa để chào đón bộ đội tiến về tiếp quản. Cổng chào, khẩu hiệu, biểu ngữ giăng đầy các ngả đường chào đón những người con chiến thắng trở về.
Trước yêu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngày 23/3/1957 Khu Hồng Quảng ban hành Quyết định số 457 thành lập xã Thủy Triều trên cơ sở 02 Kinh Triều và Tuy Lạc, trước tháng 8/1945 thuộc tổng Kinh Triều và thuộc xã Ngũ Lão từ tháng 12/1945. Ông Trần Kế được chỉ định là Chủ tịch ủy ban hành chính xã. Chi bộ Đảng gồm 16 đảng viên do đồng chí Trần Văn Kế làm Bí thư. Các phong trào tăng gia sản xuất, bình dân học vụ, phát triển văn hóa xã hội lại phát triển sôi nổi.
Trải qua hơn 20 năm (1955-1975) khôi phục kinh tế và cải cách ruộng đất, dưới sự điều hành của Chi bộ, của Ủy ban hành chính xã, đời sống Nhân dân Thủy Triều từng bước cải thiện. Toàn xã bước vào thời kỳ cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội (1958-1960), góp sức cùng Nhân dân cả nước xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Tháng 2 năm 1962, Đảng ủy xã được thành lập gồm 02 Chi bộ thôn Kinh Triều và Tuy Lạc, Đảng ủy gồm 05 đồng chí do đồng chí Nguyễn Hữu Tuyền làm Bí thư Đảng ủy.
Những năm 1966 - 1975, với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và “dù có phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập” Thủy Triều đã tiễn 424 thanh niên lên đ¬ường nhập ngũ và trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào, campuchia, 21 người tham gia Thanh niên xung phong. Đã 72 người con Thủy Triều đã cống hiến trọn đời mình và 52 người là thương bệnh binh đã để lại một phần xương máu cho Tổ quốc. Thủy Triều là một trong số các xã của Thuỷ Nguyên, liên tục hoàn thành chỉ tiêu tuyển quân.
Ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, trọn niềm vui Nam - Bắc sum họp. Cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đất nước hòa bình thống nhất, cả nước đi lên xây dựng CNXH. Đặc biệt là thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Mặc dù địa phương là xã có điểm xuất phát thấp, không thuận lợi trong nền kinh tế thị trường song với truyền thống cách mạng kiên cường, cần cù, chịu khó trong lao động, Nhân dân Thủy Triều đã đoàn kết thống nhất một lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền xã nhà, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, nỗ lực vượt bậc để đưa địa phương vượt qua tình trạng đói nghèo lạc hậu, trở thành xã phát triển khá về mọi mặt. Ngày 11/6/1978, thực hiện chủ trương của thành phố và huyện, Đảng ủy và chính quyền địa phương đã vận động Nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới ở huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh, lực lượng đi được tổ chức theo mô hình của một xã, lấy tên là xã Quảng Trung. Tháng 2/1979 chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, những người dân Thủy Triều trên quê hương mới đều là chiến sĩ, hậu phương vững chắc của bộ đội chiến đấu bảo vệ biên giới.
Trong các cuộc kháng chiến chống Thực dân, Đế quốc, bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, toàn xã đã có 105 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, 61 thương, bệnh binh, 266 người được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân Chương, Huy chương.
Kể từ ngày thành lập đến nay Đảng bộ đã trải qua 24 kỳ đại hội, HĐND, UBND, UBMTTQ và các đoàn thể quần chúng qua các kỳ kiện toàn, đã không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống chính trị cơ sở. Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, lòng dân đồng thuận đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, xây dựng quê hương Thủy Triều không ngừng khởi sắc. Kinh tế xã hội phát triển. Với chính sách ưu tiên, khuyến khích đầu tư của thành phố và huyện, xã nhà đã có nhiều doanh nghiệp và khu công nghiệp đặt cơ sở sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đặc biệt là đã tích cực tranh thủ các cơ chế của thành phố và huyện, cùng với sự nỗ lực vận động huy động sức dân, địa phương đã tiến hành xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng tường bước theo hướng hiện đại; trong các khu dân cư nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng các ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ không ngừng được tăng lên; thu ngân sách Nhà nước và thu ngân sách xã cơ bản hoàn thành, nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt chỉ tiêu trên giao. Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa mới liên tục được phát động và thu nhiều kết quả; Phong trào xây dựng nông thôn mới được Nhân dân hào hứng đón nhận và thực hiện có kết quả, năm 2019 xã nhà đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tiếp tục thực hiện các tiêu chí Nông thôn mới kiểu mẫu; công tác chính sách xã hội được quan tâm. An ninh trật tự luôn được đảm bảo, công tác quốc phòng an ninh được giữ vững, nhiều năm liền xã được Ủy ban nhân dân huyện tặng cờ đơn vị thi đua quyết thắng. Đặc biệt là lĩnh vực giáo dục đào tạo luôn được cấp ủy, chính quyền chú trọng đầu tư. Hệ thống trường học từng bước được xây dựng kiên cố hiện đại, chất lượng dạy học không ngừng được nâng lên, phấn đấu giữ vững và duy trì chuẩn quốc gia theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân huyện. Xã Thủy Triều cũng là điểm sáng về giáo dục đào tạo, Tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh đậu đạt vào Đại học, Cao đẳng năm sau luôn cao hơn năm trước; công tác khuyến học khuyến tài được quan tâm. Nhiều người con Thủy Triều hăng say học tập, công tác và sản xuất đã trở thành những doanh nhân thành đạt, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh giỏi, các nhà khoa học, cán bộ, lãnh đạo các cơ quan thành phố, huyện và các tỉnh thành trên cả nước đã không ngừng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển của xã nhà cũng như của huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và đất nước.
Nhìn lại quá trình 66 năm xây dựng và phát triển, chúng ta không khỏi bùi ngùi bởi những năm tháng hy sinh, gian khổ, chiến tranh giặc dã, thiên tai, mất mùa, gây nên cảnh đói nghèo lạc hậu. Song chúng ta cũng rất đỗi tự hào về Đảng ta về truyền thống của Nhân dân ta, hơn 66 năm qua cùng một chí hướng, đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, cần cù, chịu thương, chịu khó, vượt qua khó khăn, vượt qua muôn trùng sóng gió để đi đến thắng lợi như ngày hôm nay. Có được thành quả đó, chúng ta đời đời ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và các anh hùng, liệt sỹ, các vị lão thành cách mạng, các đồng chí thương, bệnh binh đã hy sinh cuộc đời mình cho sự trường tồn của quê hương, đất nước. Chúng ta cảm ơn Đảng, khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng dân tộc Việt nam.
Kế tục truyền thống hào hùng của các thế hệ đi trước, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Thủy Triều nguyện tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, anh dũng kiên cường của các thế hệ cha anh. Đó là niềm vinh dự, tự hào thắp lên trong trái tim mỗi người con của mảnh đất Thủy Triều ngọn lửa khát khao được sống và cống hiến cho sự nghiệp phát triển của quê nhà. Tiếp tục giữ gìn và phát huy hơn nữa thành quả đạt được trong hành trình trường kỳ 66 bền bỉ vững bước đi lên phía trước.
Tự hào, phấn khởi trước những thành quả to lớn 66 năm qua nhưng chúng ta cũng nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ hết sức nặng nề trong chặng đường tiếp theo, đặc biệt là công cuộc xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế- xã hội, dần chuyển từ mô hình sản xuất kinh tế nông thôn sang đô thị, chuyển từ quy mô xã nông nghiệp sang quy mô Phường theo chủ trương xây dựng Thành phố Thủy Nguyên trực thuộc thành phố Hải Phòng đã được Thảnh ủy Hải Phòng quyết định chủ trương và sẽ hoàn thành trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đảng bộ và Nhân dân xã Thủy Triều nguyện đoàn kết một lòng, quyết tâm phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Quyết tâm gìn giữ và phát huy truyền thống anh hùng, quật khởi đã hun đúc lên khí chất, cốt cách của con người Thủy Triều.
Xã Thủy Triều đang đứng trước vận hội phát triển, đó là sự đầu tư của thành phố xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, đây là nguồn lực quan trọng để phát triển giao thông, giáo dục, thiết chế văn hóa góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, Đảng, Chính quyền và hệ thống chính trị xã rất mong đón nhận sự đồng hành của các đồng chí cán bộ, đảng viên cùng toàn thể Nhân dân để xây dựng xã Thủy Triều ngày càng phát triển.
